Sinh thời, Bác luôn dành sự quan tâm, chăm sóc và tình cảm đặc biệt đối với thiếu niên, nhi đồng. Những tình cảm yêu quý, thân thương của Bác dành cho các cháu nhỏ đã được kể lại thông qua những câu chuyện nhỏ trong cuốn sách “Trung thu cháu nhớ Bác Hồ” do tác giả Khánh Linh tuyển chọn, được Nhà xuất bản Dân Trí phát hành năm 2021.
Năm 1945 là năm đầu tiên nước nhà được độc lập. Dịp Tết Trung thu, Bác Hồ đã gửi thư cho các em thiếu nhi. Bác quan tâm hỏi thăm xem các em đã nhận được quà, hoa… của mẹ chưa. Bác nghĩ đến “các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em”. Bác khẳng định, khác với Trung thu năm ngoái khi đất nước còn bị áp bức, nô lệ, năm nay các em đã là “tiểu quốc dân của một nước độc lập”. Vì vậy, các em được quan tâm, chăm sóc, được học hành, vui chơi, tham gia các hoạt động ý nghĩa. Với những tình cảm của mình Bác gửi đến các em nhỏ 100 cái hôn thân ái.
Cuốn sách Trung thu cháu nhớ Bác Hồ.
Từ năm 1946, khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, mặc dù ở chiến khu Việt Bắc bận trăm công nghìn việc, nhưng chưa năm nào Bác quên viết thư cho thiếu nhi. Mỗi bức thư, không chỉ quan tâm hỏi thăm tình hình thiếu nhi cả nước, quan tâm đến những trẻ em còn thiếu thốn, khó khăn, mà Bác luôn bày tỏ niềm tin và khẳng định mỗi mùa Trung thu đến là kháng chiến lại càng đến gần với thắng lợi hơn. Trong thư gửi nhi đồng dịp Tết Trung thu năm 1948 Bác viết: “Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, Bác cháu ta sẽ cùng nhau ăn những Tết Trung thu tưng bừng vui vẻ. Vinh hoa bõ lúc phong trần”.
Đến khi miền Bắc được độc lập, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với muôn vàn khó khăn, nhưng cũng chưa khi nào Bác quên chúc Tết Trung thu thiếu nhi. Không những vậy, dù bận việc nước, Bác vẫn luôn quan tâm đến các em nhỏ với tình yêu thương vô bờ bến. Bác quan tâm từ các cháu nhỏ ở trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi đến các cháu nhỏ có cuộc sống còn khó khăn. Phủ Chủ tịch nơi Bác làm việc thường dành để tiếp đón các em nhỏ từ con cán bộ, người lao động, đến những tấm gương em nhỏ dũng cảm trong cả nước được phong dũng sĩ… Tất cả các em đều được Bác đón tiếp với tình cảm trìu mến. Bác động viên các em cố gắng trong học tập và lao động, thi đua làm nhiều việc tốt xứng đáng cháu ngoan của Bác.
Nhà văn M.Giu-láp-xki người Ba Lan từng hơn 1 lần chứng kiến Bác Hồ gặp gỡ thiếu nhi. Người quan tâm, hỏi han, động viên các em với tình cảm của người ông dành cho cháu. Đồng thời nhìn thấy thiếu nhi Việt Nam thể hiện tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, hôn Bác, vuốt chùm râu bạc trắng của Bác, kể cho Bác nghe những thành tích đã đạt được trong học tập và rèn luyện… ông đã thốt lên rằng “Hồ Chủ tịch luôn có một tình cảm đặc biệt với thiếu nhi”.
Bác Hồ đã đi về với thế giới Người hiền, nhưng những tình cảm, sự quan tâm, yêu thương của Bác dành cho thiếu nhi vẫn còn mãi. Qua đó tạo niềm tin, động lực để lớp lớp thiếu nhi Việt Nam tích cực học tập, rèn luyện, xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ, là người chủ tương lai của đất nước như mong ước của Bác.
Gửi phản hồi
In bài viết